Mỹ và Ấn Độ bất ngờ đứng đầu trong danh sách các chính phủ yêu cầu Facebook cung cấp thông tin tài khoản người dùng.
Theo tin tức từ hãng thông tấn Reuters, số yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu tài khoản của các chính phủ tăng trong nửa cuối năm 2015 là 46.763 yêu cầu, tăng 13% so với mức 41.214 yêu cầu của nửa đầu năm 2015. Trong số các chính phủ yêu cầu Facebook cung cấp thông tin thì Mỹ và Ấn Độ là 2 quốc gia đứng đầu danh sách.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, Facebook nhận được 19.235 yêu cầu từ tháng 7 - 12/2015. Theo thông tin từ Facebook thì trang mạng xã hội này đã đáp ứng 81% yêu cầu của chính phủ Mỹ. Facebook cho biết các chính phủ thường xuyên yêu cầu các thông tin cơ bản về người dùng, gồm nội dung tài khoản, địa chỉ IP, và cả bài đăng trên mạng.
Các chính phủ gia tăng kiểm soát thông tin trên Facebook.
Hiện tại, mạng xã hội Facebook có khoảng 1,65 tỷ người dùng thường xuyên, tức trên thế giới cứ trong 4 người thì có 1 người dùng Facebook. Hãng Facebook cho hay, khoảng 60% yêu cầu ở Mỹ có thỏa thuận ngầm cấm hãng này thông báo cho người dùng về yêu cầu của chính phủ.
Được biết, đây là lần đầu tiên Facebook đưa thông tin về các lệnh cấm tiết lộ trong báo cáo về tình hình yêu cầu dữ liệu từ các chính phủ kể từ khi hãng bắt đầu công bố báo cáo hồi năm 2013.
Việc chính phủ yêu cầu các hãng công nghệ cung cấp các thông tin của người dùng mà họ nắm giữ không còn là việc xa lạ. Trước đó, hãng Apple cho biết, trong nửa cuối năm 2015, các nhà chức trách Mỹ đã yêu cầu Apple cung cấp thông tin người dùng lên đến 4.009 lần, trên hơn 116.000 thiết bị. Hãng Apple đã đáp ứng 80% số yêu cầu của chính phủn Mỹ.
Việc chính phủ truy cập dữ liệu cá nhân từ các hãng điện thoại và Internet đã trở thành mối bất đồng kể từ khi cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden rò rỉ thông tin mật về một chương trình thu thập siêu dữ liệu của tình báo Mỹ hồi năm 2013.
Trước đó, trang Global Government Requests Report cũng cho biết, Facebook cho biết, đợt báo cáo dữ liệu gần nhất cho phía chính phủ được thực hiện vào nửa đầu năm 2015, nhằm đáp ứng 79% yêu cầu liên quan đến các vấn đề pháp lý tại Mỹ.
Tuy nhiên, đại diện của Facebook khẳng định, hãng sẽ không cung cấp dữ liệu cá nhân của người dùng một cách dễ dàng. Chris Sonderby, luật sư đại diện của Facebook cho biết, Facebook sẽ xem xét kỹ lưỡng mọi yêu cầu của chính phủ. Nếu những yêu cầu đó không thật sự hợp lý và đòi hỏi phải can thiệp quá sâu vào cơ sở dữ liệu, công ty này sẵn sàng mang những vấn đề đó ra tranh luận tại tòa án nếu thấy cần thiết.
Đăng nhận xét