Từ một tin rao làm chứng chỉ, bằng giả trên Facebook, Công an Gia Lai đã vào cuộc, phối hợp với Bộ Công an và các tỉnh thu giữ 22.000 phôi văn bằng giả, khởi tố 10 bị can.
Đối tượng Bùi Thị Mỹ Phương bị bắt tại thời điểm trao đổi để bán bằng cấp giả - Ảnh: BÁ DŨNG
Ngày 2-6, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã gửi công văn tới công an 42 tỉnh thành trên cả nước cùng Bộ Công an để tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án đưa ra ánh sáng đường dây “sản xuất” bằng giả cực lớn vừa được Công an Gia Lai triệt phá.
Theo điều tra, tính đến đầu tháng 6-2016 đã có 22.000 phôi bằng, chứng chỉ các loại được tịch thu, 10 đối tượng đã bị khởi tố.
Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, bước đầu cơ quan điều tra xác định được ít nhất 20 cán bộ, giáo viên đang công tác tại cơ quan nhà nước đã mua bằng giả từ đường dây này. Trong số này có cả những cán bộ ứng cử HĐND phường, sau khi bị phát hiện đã bị loại ra khỏi danh sách ứng cử.
Để bóc gỡ được đường dây “sản xuất” bằng giả cực lớn này, các trinh sát, cán bộ điều tra nhiều phòng ban tại Công an tỉnh Gia Lai đã mật phục gần nửa năm trời.
Từ một dòng status rao bán bằng giả trên Facebook
Ngày 16-1-2016, một cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ (Phòng PA83) Công an tỉnh Gia Lai trong lúc truy cập mạng đã phát hiện một mẩu tin rao nhận làm bằng giả, chứng chỉ các loại như Anh văn, tin học, bằng cử nhân, thạc sĩ... với giá chỉ từ 1-1,5 triệu đồng. Ngay lập tức cán bộ này đã xin ý kiến lãnh đạo, ban giám đốc công an tỉnh. Một kế hoạch đánh án được nhanh chóng triển khai.
Trên Facebook cá nhân của người rao bán bằng không để lại bất cứ hình ảnh, thông tin cá nhân nào. Một người dân đã được Công an tỉnh Gia Lai đề nghị phối hợp, đánh án. Người này đóng giả sinh viên đang học cao đẳng.
Giữa đêm, “sinh viên” này nhắn tin cho người rao bán bằng giả với nội dung: “Em là sinh viên Trường CĐSP tại Kon Tum, em muốn có bằng để xin việc nhưng nhà quá nghèo, không có điều kiện đi học thêm nên cần mua một số bằng cấp”. Ngay lập tức, người rao bán bằng “mớm mồi” và trả lời rằng đủ khả năng làm tất cả các loại chứng chỉ, giấy tờ.
Dưới sự bố trí của công an tỉnh, nhiều lần bẫy đã được giăng nhưng đối tượng này liên tục nhắn tin thay đổi địa điểm và yêu cầu gửi hình ảnh, chứng minh thư, thông tin cá nhân của người được cấp bằng.
Một buổi sáng cuối tháng 2, bốn cán bộ an ninh Công an tỉnh Gia Lai được lệnh mặc thường phục giả làm hành khách ở một quán cà phê tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Đúng giờ hẹn, một phụ nữ trạc 28 tuổi xuất hiện với vẻ lén lút. Đối tượng này vào thẳng vấn đề với “sinh viên” thực tập: “Em đưa tiền trước cho chị, còn bằng cấp chị sẽ gửi em khi in ra bản đầy đủ. Mỗi bằng có giá từ 700.000 -1,5 triệu đồng”.
Ngay lúc đó, các trinh sát đã ập đến trong sự ngỡ ngàng của đối tượng.
Mắt xích quan trọng của đường dây đã bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, người rao bán bằng này khai là Bùi Thị Mỹ Phương - 26 tuổi, trú thôn Đồng Tâm, xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai.
Phượng nói mình chỉ là trung gian, móc nối với các đối tượng khác tại Hà Nội cung cấp, “phân phối” bằng giả.
Tại nhà riêng của Phượng, cơ quan điều tra thu giữ 20 bản sao chứng minh nhân dân là của các cán bộ, giáo viên tại Gia Lai thông qua tai Facebook gửi đến Phượng để “mua bằng”. Từ đây, những cán bộ này lần lượt được công an tìm đến.
Những cán bộ, giáo viên đã mua bằng giả làm việc với Công an tỉnh Gia Lai - Ảnh: BÁ DŨNG
Đường dây bằng giả cực lớn
Hồ sơ vụ việc được Phòng PA83 chuyển cho Phòng an ninh điều tra (PA92) Công an Gia Lai. Lần theo tung tích, cơ quan điều tra xác định được danh tính đối tượng ở Hà Nội mà Phương móc nối để làm bằng giả là Lê Quang Lâm (28 tuổi, trú thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
Tháng 3-2016, an ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai phối hợp Cục An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp Lâm và bạn gái của Lâm là Phạm Thị Hồng An (22 tuổi, trú TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Qua khai thác, các đối tượng khai nhận đầu năm 2015, Lê Quang Lâm muốn làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học để bổ sung hồ sơ xin việc nên đã dò hỏi, tìm mua hai chứng chỉ với giá 700.000 đồng. Thấy việc mua bán thuận lợi nên Lâm có ý định mua, bán chứng chỉ giả kiếm lời.
Để thực hiện hành vi, Lâm lập một địa chỉ Facebook với nickname “làm chứng chỉ” đăng tin: nhận thi, cấp chứng chỉ tin học và ngoại ngữ A, B, C, nghiệp vụ sư phạm nhanh chóng, uy tín, chất lượng kèm theo số điện thoại liên hệ. Mỗi chứng chỉ Lâm bán với giá 450.000 - 500.000 đồng.
Từ thông tin rao bán trên, Phương và các đối tượng còn lại đã liên hệ móc nối với nhau.
Ngoài các đối tượng nêu trên, qua xác minh từ cơ quan an ninh điều tra hiện có nhiều đối tượng ở các tỉnh thành khác như TP.HCM, Bắc Giang… đã móc nối và đặt mua bằng giả về bán với số lượng rất lớn.
Mở rộng chuyên án, Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với Cục An ninh điều tra Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố có liên quan để thực hiện chuyên án bóc gỡ đường dây làm giấy tờ chứng chỉ giả này.
Chỉ sau thời gian ngắn, sáu đối tượng liên quan đến đường dây này tại nhiều tỉnh thành đã lần lượt bị bắt giữ.
Qua khám xét nơi ở của các đối tượng trên, công an tịch thu hơn 22.000 phôi chứng chỉ giả của một số cơ quan, tổ chức.
Trong số các đối tượng bị bắt giữ, có Hoàng Đức Huấn là cán bộ từng công tác tại phòng nội vụ UBND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
Số phôi bằng, chứng chỉ giả bị công an thu giữ - Ảnh: BÁ DŨNG
“Việc bóc gỡ được đường dây bằng giả có quy mô trên các tỉnh thành này là một chiến công lớn của tập thể Công an tỉnh Gia Lai, Bộ Công an cùng các tỉnh thành với tinh thần đấu tranh phát giác tội phạm của Phòng PA83 Công an Gia Lai.
Quan trọng hơn, công an đã kịp thời chặn đứng 22.000 phôi bằng, chứng chỉ giả. Nếu không số bằng cấp này lọt ra và nằm trong hồ sơ công chức, cán bộ thì hậu quả để lại sẽ không thể tính hết được” - một lãnh đạo Công an Gia Lai nói.
Đăng nhận xét